Quỳnh Lưu có nhiều bãi biển đẹp, vừa là điều kiện để phát triển nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản, vừa là tiềm năng để phát triển du lịch. Những năm gần đây, một số địa phương đã quy hoạch, xây dựng các điểm du lịch và bước đầu thu hút được du khách. Trong ảnh: Vẻ đẹp biển Quỳnh Long. Ảnh tư liệu: Nhật Thanh
 
Sau khi tổ chức khai trương du lịch biển Quỳnh năm 2022 tại biển Quỳnh Bảng, khá đông du khách đã tìm về biển Quỳnh để tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: Nhật Thanh
 
Cùng với tắm biển, biển Quỳnh còn có nhiều điểm đến hấp dẫn để du khách trải nghiệm. Nổi bật là hệ thống hang động núi Rồng nằm bên bờ biển Quỳnh Nghĩa. Ảnh: Nhật Thanh
 
Hang Mũi Trâu ở cửa Lạch Quèn, thuộc địa bàn xã Tiến Thủy cũng là điểm đến thu hút du khách. Ảnh: Nhật Thanh
 
Còn nếu muốn trải nghiệm đời sống ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu, du khách hãy thức dậy từ sáng sớm vừa đón bình minh trên biển, vừa hòa vào nhịp sống, nhịp lao động khỏe khoắn cùng cư dân bản địa. Ảnh: Nhật Thanh
 
Đến với biển Quỳnh, du khách còn được thưởng thức hải sản tươi ngon cùng bao sản vật của vùng quê ven biển. Ảnh: Nhật Thanh
 
Quỳnh Lưu còn nổi tiếng là vùng đất có bề dày truyền thống và văn hiến, thể hiện ở hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú với 193 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó 33 di tích được xếp hạng (15 di tích quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh). Vùng ven biển có những ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, trong đó phải kể đến đền Quy Lĩnh ở xã Quỳnh Lương. Đền Quy Lĩnh có sự tích, các vị thần được thờ giống với đền Cờn ở Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai), đó là thờ Tứ vị Thánh Nương, cũng là nơi dừng chân của các vị vua Đại Việt trên đường tiến quân bằng đường biển vào đánh dẹp giặc ở phương Nam. Đền lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, là nơi du khách gửi gắm tâm linh... Ảnh: Đình Tuyên
 
Cách đền Quy Lĩnh không xa là đền Đồng Xuân thuộc xã Quỳnh Bảng, được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Đền là nơi thờ danh sỹ Phạm Đình Toái (1818 - 1901), người xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), nổi tiếng học giỏi và hay chữ, có tài văn chương, làm quan dưới triều Nguyễn. Ông là người có công khai ấp, lập nên làng Đồng Xuân, được nhân dân lập đền thờ ghi nhớ công ơn. Ảnh: Đình Tuyên
 
Tham quan đền Đồng Xuân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những nét kiến trúc cổ kính cùng những hiện vật có niên đại hàng trăm năm. Trong đó có tấm bia đá viết bằng chữ Hán, lưu danh những người đóng góp tiền của, công sức để xây dựng đền thờ. Đến đây, du khách sẽ hiểu thêm nét văn hiến và truyền thống hiếu học của người dân xứ Quỳnh. Ảnh: Đình Tuyên